Đốt củi cớ sao lại đốt Lò của Bác Trọng?

Previous slide
Next slide

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Chết không nhắm mắt

 Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

24/04/2024

Tôi tình cờ “nhặt” trên FB một tác phẩm khá độc đáo của Marc Riboud. Ông “chớp” được cảnh một anh bộ đội (với con búp bê nằm dưới nắp ba lô, và cái sắc cầm tay) đang trên đường trở về quê cũ.

Cùng với bức ảnh là lời bình, cũng độc đáo không kém, của face booker Nguyễn Hoàng : “Thằng này coi vậy mà hiền, chỉ lấy con búp bê cho con và cái bóp đầm cho vợ mà thôi.”

Thằng chả hiền thiệt chớ. Cái ba lô xẹp lép hà. Ngó thấy mà thương. Là kẻ cầm súng, thuộc phe thắng trận, đương sự có thể thu góp được chiến lợi phẩm nhiều hơn thế.

Bên thua cuộc, rõ ràng, không mất mát chi nhiều mà Bắc/Nam đã được “nối vòng tay lớn” – theo như cách nói của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Rồi ra, tác giả còn dự tưởng, sẽ có những đoàn tầu thống nhất “toả khói trắng hai bên đường,” những đám “trẻ thơ đi hát đồng dao” khắp ngõ, và “mọi người ra phố mời rao nụ cười.”

Họ Trịnh, có lẽ, thực lòng tin tưởng như thế. Niềm tin của ông cũng được không ít người cùng thời chia sẻ. Sự thực, tiếc thay, khác thế. Sau ngày “Nam/Bắc hoà lời ca” thì nụ cười gần như biến mất trên môi của mọi người dân Việt.

Dù thuộc bên thắng cuộc, những bộ đội phục viên cũng không hề được hân hoan cười đón khi họ trở về:

“Tôi đã được chứng kiến cảnh hẫng hụt của nhiều người khi họ … ngơ ngác tìm kế sinh nhai, đã không ít người đòi đảng, chính quyền cơ sở phải chia ruộng đất cho họ, và tất nhiên đảng, chính quyền không thể moi đâu ra ruộng đất để cho họ cày, cực chẳng đã, nhiều người đã trực tiếp đòi ruộng cha ông mà ngày trước họ đã góp vào hợp tác xã, không ít người đã tự ý đi cày ruộng cha ông của mình, thế là … họ được quy là công thần gây rối, chống lại đường lối của đảng, nhà nước, kết cục có người bị đuổi ra khỏi đảng, có người bị bắt lên xã, lên huyện tạm giam để xử lý vì đã ngang nhiên lấn chiếm đất đai của nhà nước đã giao cho người khác.” (Vi Đức Hồi – Đối Mặt, Chương II).

Đoạn hồi ký thượng dẫn giúp cho độc giả hiểu tại sao vỉa hè Hà Nội lại đông đảo những người làm nghề cửu vạn. Họ sống ra sao?

“Mỗi tối thuê cái chiếu nằm gầm cầu, có tiền bạc của nả thì gối đầu, giắt lên ngực. Bốn bên lủng củng người nằm, nói anh bỏ lỗi, nó đéo nhau huỳnh huỵch rồi lại chửi nhau, quát nhau to tiếng hơn ô tô chạy ngoài đường.” (Tô Hoài. Chiều Chiều. Phương Nam, Hà Nội: 2014).

Giữa Thủ Đô Của Lương Tâm Nhân Loại mà trải chiếu “đéo nhau huỳnh huỵch” thì (ngó) cũng hơi khó coi. Tuy thế – và được thế – vẫn hơn hẳn nhiều bạn đồng đội (không may) khác, đang “nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng.”

Hạnh phúc hay đau khổ (nghĩ cho cùng) chỉ là sự so chiếu, và mọi so chiếu đều tương đối cả. Nói chi đến những người lính vô danh, ngay cả một nhân vật tiếng tăm cỡ như thi sĩ Tế Hanh (“từng là ủy viên ban chấp hành hoặc thường vụ Hội Nhà Văn VN, từng mười năm liền phụ trách đối ngoại của hội, từng có chân trong ban phụ trách nhà xuất bản Văn học”) đến cuối đời cũng đành chép miệng : “Trải qua hai cuộc chiến tranh mình còn được sống, được làm thơ, còn may mắn hơn khối người khác, thế là được rồi.” (Vương Trí Nhàn. Cây Bút Đời Người. Phương Nam, Hà Nội: 2002).

Vâng, đúng thế. Còn sống là “may mắn hơn khối người” rồi!

Theo thống kê (chắc không khả tín) của Tổng Cục Chính Trị thì đến năm 2012, toàn quốc chỉ có 1.146.250 liệt sĩ và khoảng 600.000 thương binh, trong đó có 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Wikipedia tiếng Việt cho biết thêm :

“Từ tháng 12 năm 1994 đến hết năm 2001, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý cho 44.253 Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng.”

Có bà bị lọt sổ vì không đủ “kiên trinh” nên đã (lỡ) đi thêm bước nữa – theo như tường trình của Tuổi Trẻ Online :

“Chúng tôi đến khi bà Trần Thị M. đang ăn tối ngay trên giường. Bà đã ở trên giường như vậy gần ba năm rồi, kể từ khi đôi chân không còn tự đứng lên được nữa. Ấy thế nhưng khi hỏi đến chuyện xưa, đôi mắt bà sáng lên.

Bà say sưa kể về những ngày hoạt động cách mạng, những ngày tù ngục đòn roi tra tấn, thương tích tới 75% (thương binh hạng 2/4)… Vượt qua được hết, chỉ không chịu nổi mỗi lúc nghe tin chồng, tin con thôi” – bà chợt trầm giọng. Ba lần ‘không chịu nổi’ ấy là vào năm 1962, ông Võ Mười, chồng bà, hi sinh khi bà mới 30 tuổi; năm 1964, con trai út Võ Danh của bà bị bắn chết khi vừa 6 tuổi, đang được giao việc cảnh giới cho các chú cán bộ họp; năm 1971, con trai lớn Võ Thái làm giao liên cho ban binh vận Khu ủy Khu V hi sinh ở tuổi 16.

Còn lại một mình giữa đạn bom, hai lần bị bắt, giam cầm tra khảo ở nhà lao Quảng Ngãi, năm 1974 bà gá nghĩa với một người đồng đội, ông Thái Văn Thới. Chiến tranh vẫn ác liệt, đâu biết mai này sống chết thế nào. Thương nhau, thông cảm hoàn cảnh của nhau thì về với nhau thôi” – bà kể. Ngày 21-2-2014, UBND P.12, Q.Bình Thạnh đã tổ chức cuộc họp để xét duyệt và đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng cho bà.

Phường đã có tờ trình về trường hợp của bà gửi Phòng Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Q.Bình Thạnh, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Tuy nhiên, sau đó gia đình bà nhận được thông báo bà chưa được lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng do đã… tái giá.”

Phải chi cái hồi giao “công tác cách mạng” cho hai đứa nhỏ (6 tuổi và 16 tuổi) mà Nhà Nước cũng xét (nét) kỹ càng như vậy thì đỡ cho mẹ Trần Thị M. biết mấy. Dù sao, vẫn còn có điều an ủi là nhờ đang sống ở thành phố mang tên Bác nên tờ trình về trường hợp của bà cũng đã được gửi tới Sở LĐ -TB&XH TP.HCM và đã được cứu xét (rồi) từ chối!

Có mẹ không nhận được danh hiệu anh hùng chỉ vì lỡ “chui rúc” ở những nơi hoang vu quá. Bên Kia Đèo Bá Thở là một nơi như thế :

“Trên bản đồ quân sự cũng như bản đồ của nha Ðịa Dư không bao giờ có địa danh ‘Ðèo Bá Thở’. Bởi vì đặt cái tên cho ngọn đèo này chính là tôi và một vài người bạn… Ngọn đồi nằm không xa trại giam chúng tôi trong tỉnh Yên Bái. Ngày ngày đội chúng tôi có mười anh em phải băng qua bên kia cái đèo khốn nạn này, tới một khu rừng toàn thị là tre, nứa, giang…

Mấy ngày đầu chúng tôi không chú ý tới cuối dốc bên kia có một cái nhà tranh đã sập. Người chủ căn nhà lấy vài thân tre to, chống cái mái lên, nên mái nhà chạm đất. Tất nhiên trong tình trạng đó nó không có cửa. Chúng tôi đã vài lần đi về ngang đó và tưởng nó đã bỏ hoang, bởi vì trông nó còn thua một cái chòi chăn vịt ở miền Nam.

Một hôm cả bọn chúng tôi thấy trời còn sớm, nên nghỉ lại bên kia dốc một lát trước khi ‘bá thở’. Chúng tôi nghe lục đục trong cái chòi bỏ hoang, và phát giác đuợc một cụ già thật già. Nét mặt bà cụ nhăn nheo hệt như những vết nẻ của ruộng bị hạn hán nhiều ngày.

Bà già có một cặp mắt nâu đục, lờ đờ và đầy rỉ mắt. Bà già mặc một cái áo bông vá chằng vá đụp. Phải gọi đây là cái áo vá trên những miếng vá. Nó nặng dễ chừng đến năm ký chứ không chơi. Chúng tôi gạ chuyện, song tất nhiên bà già biết chúng tôi là tù ‘Ngụy’ nên không hé răng một nửa lời.

Hôm sau trong lúc đốn tre chúng tôi hội ý. Chúng tôi lấy dư ra mỗi ngày vài cây về giấu ở gần căn lều của bà cụ. Ðược vài ngày đủ tre để dựng lại căn lều, chúng tôi để hai người lại sửa còn tám người vào rừng đốn tre cho đủ số lượng của mười người. Chúng tôi cũng cắt tranh về để dậm lại những chỗ quá mục nát. Căn nhà sửa xong, có cửa để chui ra chui vào. Bà già khi đó tự động nói chuyện với tụi tôi :

– Lão có ba đứa con, một đứa đã có giấy tử sĩ, hai đứa kia thì hoà bình lâu rồi, nhưng lão không hề nhận được một chữ của chúng từ ngày chúng đi. Lão mới có giấy mẹ liệt sĩ, mỗi tháng có tiền nhưng chả vào đâu.” (Hoàng Khởi Phong. “Bên Kia Ðèo Bá Thở.” Cây Tùng Trước Bão. Thời Văn, Hoa Kỳ: 2001).

Bà lão hẳn đã qua đời từ lâu. Những người lính thắng trận trên đường về quê (với con búp bê cầm tay) hơn 40 năm trước e cũng không còn mấy ai sống sót. Đám mẹ ngụy và lũ con thua cuộc cũng thế, cũng đều đã lần lượt đi vào lòng đất.

Kẻ Bắc/người Nam, bên thua/bên thắng nên họ đã phải trải qua những hoàn cảnh và kinh nghiệm sống khác nhau. Duy có điều này thì chắc chắc là hoàn toàn không khác : khi họ chết không ai nhắm mắt!


 

Quả óc chó bảo vệ bạn – BS Đỗ Văn Hội

 

Bổ túc cho bài này: hình (còn gọi là hạt dẻ, tiếng Anh là walnut, rất tốt cho sức khỏe)
BS Đỗ Văn Hội

Quả óc chó bảo vệ bạn từ trong ra ngoài, từ đầu đến chân

Trong thời kỳ cổ đại, quả óc chó được gọi là loại hạt của các vị thần. Ngày này, sau nhiều cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học gọi quả óc chó là vua của các loại hạt vì những lợi ích sức khỏe tuyệt vời mà chúng mang lại.
Quả óc chó bảo vệ bạn từ trong ra ngoài, từ đầu đến chân. Chúng ta hãy cùng khám phá những lợi ích tuyệt vời của loại quả này đối với sức khỏe con người.

1. Cải thiện sức khỏe tim mạch
Quả óc chó đã được coi là loại hạt cho sức khỏe trái tim. Các cuộc nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua đã chỉ ra, quả óc chó có vô số lợi ích đối với trái tim và hiệu quả hơn bất cứ loại quả nào trên trái đất. Có điều này là do quả óc chó có nhiều axit béo omega 3, khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa.
Axit béo omega 3 được biết đến với hiệu quả ngăn ngừa cục máu đông, là nguyên nhân chính gây nên các cơn đau tim. Kết hợp với chất xơ, axit béo omega 3 cũng làm giảm mức độ LDL (lipoprotein mật độ thấp) hoặc cholesterol xấu – một trong những tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe trái tim. Chứng loạn nhịp tim hoặc tim đập thất thường cũng có thể được chữa trị bằng một lượng axit béo omega 3 phù hợp. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA đã tuyên bố, quả óc chó là thực phẩm cho trái tim khỏe mạnh và nên được bổ sung vào chế độ ăn uống cân bằng để bảo vệ sức khỏe tim mạch.

2. Củng cố động mạchNgoài tác dụng bảo vệ trái tim, quả óc chó còn có tác dụng rất lớn đối với các bệnh nhân huyết áp cao và giúp lớp màng động mạch khỏe mạnh hơn.

3. Ngăn ngừa sỏi túi mật
Dữ liệu thu thập từ hơn 80.000 người và trải qua 2 thập kỷ nghiên cứu đã cho thấy quả óc có thể ngăn ngừa sỏi túi mật. Vì vậy, nếu bạn đang đối mặt với nguy cơ bị sỏi túi mật hay không muốn mình mang căn bệnh này hãy ăn vài quả óc chó mỗi ngày.

4. Bảo vệ xương
Một thực tế ai cũng biết là xương yếu dần theo tuổi tác. Mật độ khoáng chất trong xương giảm xuống sẽ dẫn đến hiện tượng loãng xương. Dinh dưỡng phong phú có trong quả óc chó sẽ giúp xương của bạn chắc khỏe cho đến tuổi già. Những người thường xuyên ăn quả óc chó sẽ không phải đối mặt với hiện tượng giảm khoáng chất khiến xương bị yếu khi về già.

5. Thực phẩm của trí nãoQuả óc chó là loại thực phẩm đặc biệt tốt với trí não. Các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra, axit béo omega 3 có trong quả óc chó giúp duytrì chất béo cấu trúc, loại chất chiếm đến 60% bộ não. Loại chất béo cấu trúc này giúp bộ não hoạt động đúng chức năng. Bộ não là trung tâm xử lý của cơ thể, bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho nó sẽ giúp tăng cường trí nhớ và nhận thức. Nó cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và các vấn đề hành vi.

6. Tốt cho bệnh nhân tiểu đường
Quả óc chó đặc biệt tốt đối với bệnh nhân tiểu đường loại 2. Nó không chỉ giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường mà còn giúp tạo ra insulin, một loại chất mà các bệnh nhân tiểu đường không có. Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim rất cao, vì vậy mà quả óc chó rất tốt với bệnh nhân tiểu đường.

7. Liều thuốc tự nhiên giúp nhuận tràng
Nếu bạn bị táo bón mãn tính thì quả óc chó sẽ giúp bạn tạo nên sự khác biệt. Quả óc chó có hàm lượng chất xơ cao, vì vậy mà chúng có tác dụng như thuốc nhuận tràng. Nhai vai hạt óc chó mỗi ngày bạn sẽ thấy ngay kết quả tuyệt vời của nó.

8. Chiến đấu với một số bệnh ung thư
Quả óc chó rất giàu chất chống oxy hóa và một số loại khác của chất chống oxy hóa. Hợp chất chống oxy hóa được gọi là axit ellagic, loại chất rất hữu ích trong cuộc chiến chống ung thư. Nó cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch, do đó nó có thể giúp bệnh nhân ung thư phục hồi trong giai đoạn hóa trị hoặc xạ trị.

9. Tránh tình trạng mất ngủ
Tất cả chúng ta đều mất ngủ ở một thời điểm nhất định nào đó. Các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ăn vài quả óc chó trước khi đi ngủ sẽ ngăn ngừa chứng mất ngủ tốt hơn so với cách truyền thống là uống một cốc sữa ấm.

Cơ thể chúng ta sản xuất một loại hormone gọi là melatonin có trách nhiệm cho một số chức năng, trong đó có liên quan đến mất ngủ. Melatonin là những tín hiệu não rằng công việc đã được thực hiện đủ, cơ thể mệt mỏi và cần ngủ. Cơ thể thường tiết ra melatonin vào khoảng thời gian tương tự mà bạn ngủ mỗi đêm. Nhưng khi chúng ta già, hàm lượng melatonin sản xuất bởi cơ thể giảm. Đây là lý do tại sao rất nhiều người cao tuổi khó ngủ và thường ngủ chỉ 4-5 tiếng một đêm. Quả óc chó là một nguồn tự nhiên và phong phú chất melatonin. Vì vậy nhấm nháp vài quả óc chó trước khi đi ngủ là cách để bạn tránh hiện tượng mất ngủ.

From: giang pham & KimBang Nguyen


 

Người dân: Trợ lý bị bắt thì Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phải rời chức vụ!

RFA
2024.04.23

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

00:00/00:00

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Sau khi ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị bắt vì cáo buộc hình sự, một số người dân được RFA phỏng vấn cho rằng người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam phải rời bỏ chức vụ ngay lập tức, thậm chí phải bị điều tra về trách nhiệm hình sự.

Như tin đã đưa, ngày 21/4, Cơ quan Cảnh sát Điều tra của Bộ Công an bắt giữ ông Hà với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo Điều 358 của Bộ luật Hình sự, với mức án có thể lên tới 20 năm tù giam nếu bị kết tội.

Ông Hà là trợ lý cho ông Huệ trong hai mươi năm qua, kể từ khi ông này còn làm Tổng Kiểm toán Nhà nước đến chức vụ Bộ trưởng Tài Chính, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, và giờ là Chủ tịch Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội phải từ chức hay bị điều tra hình sự

Tin trợ lý thân tín của ông Vương Đình Huệ bị bắt ngay sau chuyến thăm của ông đến Trung Quốc từ 07-12/04 gây xôn xao dư luận.

Trong ngày mà truyền thông nhà nước đưa tin ông Phạm Thái Hà bị bắt, ông Huệ vẫn chủ trì một cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để bàn thảo về chương trình nghị sự của Quốc hội trong hai tháng tới, cũng như một số dự án luật.

Một người dân quê ở Nghệ An cho rằng, nếu ở trong một một nền chính trị trong sạch, thì với vai trò là cấp trên trực tiếp, ông Huệ phải từ chức khi có những bê bối như nhân viên cấp dưới tham ô, nhận hối lộ,… hay cụ thể trong trường hợp này là “lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi.”

Người này nói với RFA trong ngày 23/4 nhưng không nêu tên vì lý do an ninh:

Rất tiếc Việt Nam hiện nay sở hữu một thể chế chính trị chẳng trong sạch chút nào, thậm chí là rất bẩn thỉu. Báo chí tự do không có, các phe phái đấu đá nhau bằng việc khui ra những vụ án sân sau để tranh giành quyền lực hòng thâu tóm tài sản quốc gia cho cá nhân họ.”

Ông này cho rằng, “thật ngây thơ” nếu ai đó hiện nay tin vào sự minh bạch của bộ máy Nhà nước hiện nay do Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo và “Tôi chỉ thấy đó là một ổ nhóm tội phạm, mà trong đó, có nhiều băng đảng có quyền lợi mâu thuẫn với nhau.”

Trên trang Facebook của mình, nhà báo kỳ cựu Nguyễn Thông cho rằng trong cơ quan nhà nước, cấp trưởng và cấp phó nhiều khi không cùng bè cánh nhưng quan hệ giữa một quan chức lãnh đạo và trợ lý/thư ký/cố vấn thì lại khác, đây là một quan hệ hữu cơ có chung một mục đích, chung quyền lợi và ăn chia sòng phẳng, do vậy tuy là cấp trên-cấp dưới nhưng về thực chất thì họ là đồng bọn và đồng lòng, và không có chuyện trợ lý làm sai mà quan chức này không biết.

Một nhà hoạt động động ở Hà Nội, không muốn nêu danh tính cho rằng với các chức vụ trong 20 năm qua thì ông Phạm Thái Hà không có quyền hành gì để giúp Tập đoàn Thuận An, nhưng ngược lại ông có thể đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với người có quyền hành.

Theo nhà hoạt động này, ông Huệ không thể rũ bỏ trách nhiệm nếu đi đến cùng sự việc.

“Về mặt chính trị, nếu ông Huệ từ chức thì giống các trường hợp của ông Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng.

Nhưng về mặt xử lý hình sự thì ở Việt Nam chưa có tiền lệ đối với tứ trụ, nên có thể phạm vi điều tra, xử lý hình sự chỉ dừng đến Phạm Thái Hà, rồi buộc ông Huệ từ chức. Điều này khác với các nước pháp quyền trên thế giới, ví dụ như trường hợp cựu Tổng thống Park Geun Hye của Hàn Quốc.”

Nhà hoạt động Lê Sỹ Bình, người sinh ra ở Nghệ An nhưng hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan, thì cho rằng ngoài trách nhiệm chính trị, ông Huệ còn phải chịu trách nhiệm hình sự vì ông này mới là nhân vật chính trong vụ án đang được Bộ Công an mở rộng điều tra. Ông Bình khẳng định:

Ông Vương Đình Huệ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm vì trợ lý chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, tuy nhiên trợ lý thì vẫn phải chịu tội đồng lõa. Ngoài trách nhiệm chính trị ra như từ chức hoặc bị bãi nhiệm, ông Huệ còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự mới xứng đáng.”

Thiếu minh bạch thông tin

Theo các chuyên gia, tự do báo chí và minh bạch thông tin là những yếu tố cần thiết để có thể đối phó với quốc nạn tham nhũng. Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số tự do báo chí thấp nhất thế giới, theo đánh giá của tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) trong nhiều năm qua.

Trong các vụ từ chức gần đây của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng cùng với hai Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh, người dân hoàn toàn không được thông báo về cụ thể các sai phạm của những lãnh đạo này.

Hay những “Tập đoàn Phúc Sơn”, “Tập đoàn Thuận An” chỉ đến khi vụ việc bị vỡ lở và công an công bố, người dân mới được biết trong khi những đại công ty này trúng thầu rất nhiều dự án quan trọng ở nhiều địa phương.

Ông Lê Sỹ Bình bình luận về vấn đề này:

Việc minh bạch thông tin ở Việt Nam đặc biệt là về các lãnh đạo cấp cao đối với người dân thì xưa nay vốn là điều xa xỉ, và ngược lại thì việc bưng bít thông tin của các lãnh đạo thì lại là sở trường của họ, chính vì vậy mà mỗi sự việc vỡ lở thì nó đã đi quá xa và đã gây thiệt hại rất lớn cho quốc gia.”

Trong các vụ quan chức ngã ngựa trước đây, truyền thông “lề trái” thường đưa ra các tin đồn trước khi vụ việc xảy ra nhiều ngày thậm chí nhiều tuần, và sau đó các tin đồn này trở thành hiện thực khi truyền thông Nhà nước được phép đưa tin.

Người dân quê Nghệ An bình luận về việc này:

Hàng nghìn cơ quan báo chí nhưng câm như hến, cả nước trăm triệu dân mà ngồi hóng tin từ Người Buôn gió, nhưng người này lấy tin từ đâu? Nếu không từ bên trong ra thì người ngoài có cơ hội tiếp cận không? Tôi nghĩ họ sợ sự minh bạch, nên mới làm những trò ném đá giấu tay đó.” 

Blogger Người Buôn gió (tức Bùi Thanh Hiếu) và Thoibao.de của nhà báo Lê Trung Khoa, ở Đức đều đưa nhiều thông tin về trợ lý thân cận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều ngày trước khi Bộ Công an công bố bắt tạm giam để điều tra.

Theo một báo cáo gần đây của Chính phủ Việt Nam, quốc gia này có 6 cơ quan đa truyền thông, 127 cơ quan báo, 670 tạp chí, 72 đài truyền hình và truyền thanh, 72 kênh truyền thanh..

Tuy nhiên, theo nhà hoạt động ở Hà Nội thì “tự do báo chí thực sự yếu, đặc biệt loại hình báo chí điều tra tại Việt Nam hoàn toàn khó sống, không thể tiếp cận thông tin dễ dàng, đa dạng và tiềm ẩn nhiều đe dọa.”


 

NGHE TRONG ÁNH SÁNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Tôi là ánh sáng!”.

“Rất nhiều người chỉ thay đổi khi họ cảm nhận sức nóng; nhưng một số khác sẽ thay đổi khi họ biết nghe trong ánh sáng!” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

“Một số khác sẽ thay đổi khi họ biết nghe trong ánh sáng!”. Câu nói trên trùng hợp với những gì mà Lời Chúa hôm nay tiết lộ. Hội Thánh Antiôkia ‘nghe trong ánh sáng’; Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài ‘nghe trong ánh sáng’, chính Ngài! “Tôi là ánh sáng!”.

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho biết, tuy Barnaba và Saolô là hai trụ cột của Hội Thánh Antiôkia; nhưng các tín hữu ở đây – nhờ sức nóng của Thánh Thần – đã vui lòng để hai ông ra đi. Sở dĩ họ có thể làm được một nghĩa cử hào hiệp đến thế là vì họ đã có khả năng ‘nghe trong ánh sáng’ Chúa Phục Sinh! Từ đó, họ dám buông bỏ ‘hai tài sản’ lớn nhất của mình hầu Tin Mừng có thể vươn tận những chân trời xa xôi, mới mẻ. Chúa Phục Sinh và Thánh Thần của Ngài đã ‘đốt cháy’ trái tim những con người này; cho họ ‘cảm nhận’ sức nóng của Ngài; nhờ đó, họ đủ khả năng tự làm rỗng mình, trở nên nghèo, để nhiều người thuộc các miền dân ngoại được nên giàu có thiêng liêng.

Phaolô sẽ tiếp tục quảng diễn đề tài này trong thư Côrintô, “Đức Kitô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”. Chúa Thánh Thần cũng hoạt động trong chúng ta theo một kiểu thức tương tự! Ngài luôn dịch chuyển bạn và tôi về phía trước, dạy chúng ta hiến thân và làm rỗng chính mình hầu những người khác nhận biết Giêsu – chân lý và ánh sáng -hầu Thiên Chúa được ngợi khen. Thánh Vịnh đáp ca là một lời ước, một lời cầu sâu sắc, “Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài!”.

“Tôi là ánh sáng!”. Chúa Giêsu muốn người đương thời, các môn đệ và cả chúng ta nhận biết Ngài là ánh sáng của Chúa Cha. Nhận thức này sẽ thay đổi hướng đi của một đời người; lối nhìn này sẽ thay đổi cảm nhận bên trong của một trái tim. Đó là nhìn và ‘nghe trong ánh sáng’ Kitô, “Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Trong Ngài, bạn có niềm vui, tự do và sự toàn vẹn thể xác, tâm trí, trái tim và linh hồn!

Anh Chị em,

“Tôi là ánh sáng!”. Vào trần gian trong ánh sáng của Thánh Thần và tiến về phía trước nhờ sự dun dủi của Ngài, Chúa Giêsu rọi chiếu Ánh Sáng Chúa Cha. Ngài nói, “Tôi đến không phải để xét xử, nhưng để cứu thế gian”. Đức Phanxicô viết, “Chúa Giêsu cứu chúng ta khỏi bóng tối bên trong, bóng tối của đời sống hằng ngày, bóng tối của đời sống xã hội, bóng tối của đời sống chính trị, bóng tối của đời sống quốc gia, quốc tế… Có quá nhiều bóng tối bên trong. Ngài cứu chúng ta, nhưng Ngài yêu cầu chúng ta nhìn thấy chúng trước tiên! Có can đảm nhìn thấy bóng tối của mình, chúng ta mới có thể để ánh sáng Chúa Kitô rọi vào và cứu thoát”. Được như thế, Thánh Thần sẽ dễ dàng dịch chuyển chúng ta về phía trước; và nương theo Ánh Sáng Ngài, chúng ta sẽ có một tầm nhìn rộng lớn hơn để thấy rõ chương trình, kế hoạch xót thương của Thiên Chúa; và – bằng một đời sống chứng tá – giúp người khác có khả năng ‘nghe trong ánh sáng’ Giêsu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, hãy rọi vào những vùng tối chết chóc trong con và giải thoát con! Nhờ đó, con không chỉ cảm nhận sức nóng nhưng còn được biến đổi bởi nó!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: KimBang Nguyen   

**********

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

44 Khi ấy, Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng : “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi ; 45 ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. 46 Tôi là ánh sáng, tôi đã đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. 47 Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. 48 Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy : chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. 49 Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. 50 Và tôi biết : mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”


 

RỒI CHÚNG TA CÒN ĐƯỢC BÊN CHA MẸ THÊM BAO NHIÊU LÂU NỮA?

Antonio Son Tran

Chuyện kể rằng có một cậu bé mỗi ngày đều đến chơi cùng một cây táo. Cây táo cũng quý mến cậu bé và thích chơi đùa với cậu, họ là những người bạn thân thiết của nhau. Thời gian trôi qua, cậu bé lớn dần lên nhưng không còn chơi cùng cây táo nữa.

Một hôm, cậu bé đến bên cây táo với khuôn mặt buồn bã. Thấy cậu bé, cây táo vui vẻ gọi:

– Cậu bé, lại đây chơi với tôi nào!

– Không, tôi không còn là trẻ con, tôi không thích chơi với cây nữa. Tôi muốn có đồ chơi cơ và tôi cần tiền để mua chúng. – Cậu bé rầu rĩ nói.

– Tiếc thật, tôi không có tiền. Nhưng cậu có thể hái hết táo của tôi và đem đi bán. Khi đó, cậu sẽ có tiền để mua thứ mà cậu muốn.

Nghe cây nói vậy, cậu bé thích lắm. Cậu liền hái hết táo trên cây, vui vẻ rời đi và không quay lại nữa. Cây táo cảm thấy rất buồn.

Một ngày nọ, cậu bé – nay đã là một chàng trai – quay trở lại. Cây táo mừng rỡ nói:

– Cậu bé, lại đây chơi với tôi nào!

– Tôi không có thời gian để chơi, tôi còn phải làm việc để nuôi gia đình. Gia đình tôi đang cần một ngôi nhà. Cây có thể giúp tôi không?

– Xin lỗi, tôi không có một ngôi nhà. Nhưng cậu có thể chặt những cành cây trên thân tôi để dựng nhà.

Vậy là chàng trai chặt hết những cành cây rồi vui sướng bỏ đi. Cây táo rất mừng khi thấy cậu bé hạnh phúc, nhưng cậu bé chẳng quay lại nên cây táo thấy buồn và cô đơn lắm lắm.

Một ngày hè nóng nực, chàng trai – nay đã là một người đàn ông – trở lại bên cây táo. Cây táo vui sướng nói với cậu bé:

– Cậu bé, lại đây chơi với tôi nào!

Người đàn ông trầm tư nói:

– Tôi buồn vì cảm thấy mình mỗi lúc một già đi. Tôi muốn đi chèo thuyền để thư giãn. Cây có thể cho tôi một chiếc thuyền không?

– Cậu hãy dùng thân cây của tôi để đóng thuyền. Rồi cậu sẽ chèo thật xa và chắc chắn sẽ thấy dễ chịu hơn.

Người đàn ông chặt thân cây để làm thuyền. Cũng như mọi lần, cậu bé đã chèo đi thật xa và rất lâu sau vẫn chưa quay lại.

Cuối cùng, người đàn ông trở về sau rất nhiều năm đi xa. Lần này, cây táo ủ rũ nói:

– Xin lỗi cậu bé, tôi chẳng còn gì để cho cậu nữa, tôi chẳng còn trái táo nào hết.

Người đàn ông mỉm cười bảo:

– Tôi đâu còn răng để ăn táo chứ.

Cây táo nói tiếp:

– Tôi cũng chẳng còn cành để cho cậu trèo lên chơi nữa.

– Tôi đã quá già để làm được điều đó. – Người đàn ông đáp.

– Tôi thực sự chẳng thể cho cậu thêm thứ gì ngoài gốc cây già cỗi này. – Cây táo buồn rầu nói.

Người đàn ông trả lời:

– Tôi chẳng cần gì nhiều, chỉ cần một chỗ để nghỉ ngơi. Tôi đã quá mệt mỏi sau những tháng năm dài đã sống.

– Ôi, gốc cây già này chính là một nơi tốt để cậu dựa lưng đấy. Hãy đến với tôi và nghỉ ngơi thôi nào!

Người đàn ông ngồi xuống bên cây táo. Và cả cây táo lẫn cậu bé đều cảm thấy thanh thản bình yên.

* Bài học rút ra:

Cha mẹ chúng ta cũng giống như cây táo trong câu chuyện. Cha mẹ luôn hy sinh tất cả vì chúng ta, thực hiện những đòi hỏi có khi vô lý của chúng ta, bao dung và vị tha với mọi lỗi lầm mà chúng ta gây ra… Đối với cha mẹ, chúng ta là điều tuyệt vời nhất mà thượng đế ban tặng họ; niềm hạnh phúc lớn lao của họ chính là thấy chúng ta trưởng thành, sống cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.

Bởi vậy đừng bao giờ làm cho cha mẹ chúng ta buồn bạn nhé. Cha mẹ xứng đáng được nhận những điều tốt đẹp từ chúng ta!

– SƯU TẦM –


 

Ba Đình luận kiếm: “Tô Nhất Chỉ” đối đầu “Nghệ Vương Công”

Ba’o Tieng Dan

Blog RFA

Gió Bấc

23-4-2024

Suy cho cùng thì mỗi kỳ đại hội đảng giống như cuộc luận kiếm trong chuyện chưởng Kim Dung. Các cao thủ dù là đồng môn hay khác phải cũng phải lấy hết sức bình sinh thi triển tuyệt học võ công, loại trừ nhau để tranh ngôi minh chủ.

Tuy nhiên, lần này luận kiếm diễn ra khá sớm. Trước đại hội từ một hai năm, cái lò chống tham nhũng cháy rừng rực, đốt cả củi tươi, cả cây cổ thụ. Ngày 13-5-2023, tiếp xúc cử tri Đông Anh, Hà Nội trả lời về xử lý cán bộ tham nhũng, “người đốt lò vĩ đại” đã mở ra bước ngoặt mới cho các đối tượng đã bị lộ hoặc sa cơ thất thế được rời sàn đấu an toàn, đồng thời kích hoạt công cuộc thanh trừng.

Khuyến khích là thôi. Nếu đã vi phạm rồi, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất là xin thôi. Thế là nhẹ nhàng, nhân văn nhất. Ta đã xử rồi. Lúc đầu có người xuyên tạc bảo phe nọ, cánh kia đánh nhau, nhưng càng ngày càng thấy đó là nhân văn, nhân ái, nhân tình, mở đường cho mà tiến bộ, đâu phải cứ cốt xử cho thật nặng“.

Ông Trọng còn nhấn mạnh: “Anh nào địa phương không làm được thì xử lý, thay anh ấy đi. Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi. Đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Gần đây, rất nhiều trường hợp thế rồi và đang còn nữa, các đồng chí cứ chờ xem. Nếu địa phương không làm được, trên này T.Ư làm hộ” (1).

Chỉ trong vòng mấy tháng, đã có 4/18 đại cao thủ của Bộ Chính Trị phải ngậm ngùi rời khỏi đấu trường. Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Tuấn Anh và Võ Văn Thưởng dù vị trí hiện nay có khác nhau nhưng đều có điểm chung là các ứng cử viên sáng giá của tứ trụ trong đại hội 14. Cả bốn đều rời sàn đấu bằng con đường tự nguyện xin từ chức theo cánh cửa “khoan hồng, nhân văn” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Công khai trên hệ thống tuyên truyền của đảng, bốn đại cao thủ này đều tự xin gác kiếm vì “trách nhiệm người đứng đầu” để cấp dưới làm sai.

Với Nguyễn Xuân Phúc là “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự” (2).

Với Trần Tuấn Anh là “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều tổ chức Đảng, đảng viên cấp dưới vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật, có trường hợp bị xử lý hình sự” (3).

Với Võ Văn Thưởng là: “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước” (4).

Nói mất chức vì trách nhiệm người đứng đầu chẳng qua chỉ là cái cớ, cái bình phong che chắn, lớp hóa chất tẩy rửa cho bàn tay nhúng chàm. Vì nếu thật sự chỉ vì cấp dưới sai phạm, người đứng đầu xứng đáng phải từ chức hơn ai hết phải là Nguyễn Phú Trọng. Từ trước đến nay chưa có Tổng Bí Thư nào mới hơn nửa nhiệm kỳ đã có hơn 20 Ủy viên Trung ương, 4 Ủy Viên Bộ Chính trị đương nhiệm phải mất chức, thậm chí nhiều người phải vào tù.

Về quy trình, tất cả bốn trường hợp trên đều theo kịch bản chung: Từ kết luận, đề xuất của Ủy Ban Kiểm Tra, Ban Chấp Hành Trung Ương họp bất thường ra quyết định. Thế nhưng có một sự thật, sau mỗi đại “cao thủ” này đều có “bang hội”, cái vòi bạch tuộc tham nhũng, bóc lột xương máu người dân đến tận xương tủy, giá trị tài sản chiếm đoạt hàng ngàn tỉ. Sau lưng Phúc là Việt Á. Sau lưng Phạm Bình Minh là chuyến bay giải cứu. Sau lưng Trần Tuấn Anh là tập đoàn tham nhũng ở Bộ Công Thương, Điện Lực, Xăng Dầu. Sau lưng Võ Văn Thưởng là tập đoàn Phúc Sơn.

Cái Ủy ban Kiểm tra “sang trọng” ngồi duyệt xét, kết luận, báo cáo, đề nghị Trung ương kỷ luật những “củi gộc” này cũng chỉ là một cấp thẩm quyền theo thủ tục đánh giá lại hồ sơ đánh án của công an. Cả bốn “thanh củi” trên đều gục ngã bởi tuyệt kỹ công phu “Tô Nhất Chỉ”của Tô Đại Tướng. Yếu quyết của công phu này là đánh sập doanh nghiệp sân sau, tóm gáy chân rết trung gian thân tín. Dù là cổ thụ bị chặt hết rễ, cành hay thân cây cũng phải chết.

“Tô Nhất Chỉ” sức mạnh vô song như Cửu Dương Thần Công và Nhất Dương Chỉ của Vương Trùng Dương, Đoàn Dự, bốn đại cao thủ đều quy phục không dám phản đòn. Ấy vậy mà trong cuộc chiến mới đây, “Tô Nhất Chỉ” đã xuất chiêu nhưng va phải “Nghệ Vương Công” và trong thế bất phân thắng bại.

Tin đồn về cuộc chiến Tô Đại Tướng cưa ghế Huệ Vương lan tràn trên mạng xã hội như sấm động trời nam. Cả báo chí quốc tế xa gần cũng lưu ý. Diễn biến đã qua cho thấy: Tin đồn từ chuyện khởi tố tập đoàn Thuận An sân sau, bắt giam đệ ruột Phạm Thái Hà … hầu hết đều đúng và đi trước tin chính thống của “lề đảng” hàng tuần, thậm chí hàng tháng.

Thế nhưng, tin đồn và dự đoán kết quả thì con lùng nhùng. Lúc cho rằng Huệ Vương đã buông gươm, khi thông tin Huệ Vương không nhân tội và “yêu cầu làm rõ, có hay không một thế lực lộng quyền, tiếm quyền trong đảng, âm mưu hạ bệ ông, thao túng chính trường” (5). Quả bóng đang còn trong chân của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương. Phải lập đoàn kiểm tra trong vòng 60 ngày để kết luận báo cáo Bộ Chính Trị.

Phối kiểm lại các thông tin chính thống của đảng, có thể thấy Huệ Vương thật sự chưa thúc thủ. Với bốn đại cao thủ trước đây, khi đàn em thân tín được công bố đã bắt giam, hầu hết đều im tiếng rời khỏi chính trường. Huệ Vương hoàn toàn ngược lại. Dư luận cho rằng Phạm Thái Hà (thư lý xuyên suốt cho Huệ Vương từ thời làm kiểm toán, Bộ Tài Chính, Thành Ủy Hà Nội và hiện nay), bị bắt từ ngày 15-4. Đánh chó không kiêng chủ nhà, không nêu chức danh chung chung như các Thư ký khác bị bắt, ngày 22-4 báo chí công bố thông tin của tướng Tô Ân Xô nêu đích danh “Bắt ông Phạm Thái Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội” như lời đe dọa (6).

Hơn ai hết Huệ Vương biết những điều này. Thế nhưng chiều cùng ngày, trên báo chí, Huệ Vương vẫn bản lĩnh vững vàng, dự họp Thường Vụ Quốc Hội góp ý dự Luật Địa chất và Khoáng sản (7).

Sự bình tĩnh, tự tin đối đầu với cơ quan điều tra không chỉ thể hiện ở Huệ Vương mà còn cả ở chân rết cấp dưới. Sau khi khởi tố vụ án ở tập đoàn Thuận An, cơ quan điều tra C03 có văn bản yêu cầu một số địa phương báo cáo thông tin về các dự án của Thuận An đang thi công tại địa phương, trong đó có tỉnh Đăk Lăk. Một lãnh đạo của tỉnh này đã “hiên ngang” trả lời báo chí:

“Sau khi Bộ Công an có văn bản, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo đơn vị sự nghiệp của tỉnh là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cung cấp hồ sơ theo yêu cầu. Còn báo cáo thế nào là việc của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk và Bộ GTVT. Tỉnh Đắk Lắk không có văn bản nào” (8).

Cần nhớ rằng, Bí thư Đắk Lắk tiền nhiệm là ông “tiến sĩ chân vịt” Bùi Văn Cường nổi tiếng, hiện là Tổng Thư Ký Quốc Hội, cánh tay phải của Huệ Vương. Nếu không có sự chống lưng này thì bố bảo ông lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cũng không dám trả lời ngang ngạnh như vậy.

Một số tình tiết ấy cho thấy Huệ Vương chưa dễ dàng thúc thủ. Công phu “Nghệ Vương Công” có thể cầm cự “Tô Nhất Chỉ” không chỉ 60 ngày mà còn có thể đảo ngược thế cờ.

“Nghệ Vương Công” là gì? Ai cũng biết Huệ Vương phát tích và cầm đầu phe cánh Nghệ An đang có 14 Uỷ viên Trung ương đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị tại khóa 13. Nếu liên kết với Hà Tĩnh và một số địa phương, các đại cao thủ còn lại, Bộ Chính Trị sẽ là thành trì vững chắc bảo vệ Huệ Vương.

Theo quy trình của đảng, nếu Huệ Vương không tự buông gươm, quần hùng Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương sẽ xử lý bằng bỏ phiếu. Yếu tố phe cánh, thế lực, tiền bạc trong bỏ phiếu cực kỳ quan trọng. Chạy chức, chạy quyền, chạy án được thì ắt có chạy phiếu.

Nguyễn Phú Trọng từng thất bại trong bỏ phiếu kỷ luật đồng chí X. Thậm chí cả tiểu tốt như Tất Thành Cang  khi đưa ra bỏ phiếu cũng không thể khai trừ. Vì vậy, dù kết luận kiểm tra có khách quan, nghiêm ngặt, Tô Đại Tướng vẫn chưa chắc thắng. Huống hồ chi trong đoàn kiểm tra lần này, giang hồ hắc – bạch đan xen.

Để buộc Huệ Vương quy hàng, e rằng không thể chỉ dùng mỗi chiêu “Tô Nhất Chỉ” với cường độ nhẹ nhàng như bốn lần trước. Tướng Nguyễn Việt Thành phải mất nhiều tháng trời mất ngủ, phải đưa Hải Bánh về Tiền Giang chăm sóc mới lấy được lời khai nhận tội giết Dung Hà. Tô Đại Tướng sẽ phải dùng binh lực để quy phục thêm cao thủ. Không tạo phiếu bằng tiền thì phải tạo bằng quyền. Phải mở lại “hồ sơ thần chết”, lưu ý những lá phiếu tì vết phải bỏ đúng định hướng.

Sẽ có nhiều doanh nghiệp sân sau lên thớt để sân trước phục tùng. Người ta đã nghe điểm danh một số tên tuổi lẫy lừng. Trong 60 ngày sắp tới, đấu trường sẽ có thêm nhiều diễn biến bất ngờ.

Ngoài ra, Huệ Vương còn có ân sủng vừa triều kiến Tập Hoàng, được ban cho nụ cười tươi hiếm có. Không rõ vô tình hay hữu ý, ngay trong lúc đấu trường đang bất phân thắng bại, Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc đến thăm Việt Nam gặp cả Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Nội chính Phan Đình Trạc và cả Tô Lâm, đây cũng là biến số đầy bí ẩn. Đương nhiên tác động, sự lựa chọn của Tập Đế hoàn toàn không vì lợi ích của người dân Việt.

Yếu tố quan trọng khác là sức khỏe, niềm tin, ý chí của “người đốt lò”. Đã thật sự muốn truyền ngôi Minh Chủ hay vẫn muốn là ứng viên giấu mặt?

Nói theo nhà thơ Nguyễn Duy, trong cuộc luận kiếm này, dù Tô Nhất Chỉ hay Nghệ Vương Công chiến thắng, thì nhân dân đều thất bại. Mục tiêu của họ vẫn chỉ là ngôi Minh Chủ, đặc quyền đặc lợi cho cá nhân, phe nhóm. Tài nguyên đất nước, nhân lực, chủ quyền quốc gia sẽ bị vắt kiệt trong thể chế hỗn mang này.

_________

Chú thích:

1- https://thanhnien.vn/tong-bi-thu-neu-thay-tay-nhung-cham-roi-thi-tot-nhat-la-xin-thoi-185230513122147693.htm

2- https://tuoitre.vn/chu-tich-nuoc-nguyen-xuan-phuc-thoi-giu-chuc-uy-vien-bo-chinh-tri-uy-vien-trung-uong-dang-khoa-13-20230116162443784.htm

3- https://tuoitre.vn/ong-tran-tuan-anh-thoi-giu-chuc-uy-vien-bo-chinh-tri-uy-vien-trung-uong-dang-khoa-xiii-2024012611164621.htm

4- https://vnexpress.net/trung-uong-dong-y-ong-vo-van-thuong-thoi-chuc-chu-tich-nuoc-4722542.html

5- https://baotiengdan.com/2024/04/22/cai-ket-nao-cho-vuong-dinh-hue/

6- https://tuoitre.vn/bat-ong-pham-thai-ha-pho-chu-nhiem-van-phong-quoc-hoi-kiem-tro-ly-chu-tich-quoc-hoi-20240416175515436.htm

7-https://tuoitre.vn/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-gop-y-du-luat-dia-chat-va-khoang-san-20240422185223708.htm

8- https://nld.com.vn/lanh-dao-tinh-dak-lak-len-tieng-ve-goi-thau-cua-tap-doan-thuan-an-19624041915051581.htm


 

Những ngày cuối của thủ đô yêu dấu-Truyen ngan

Ba’o Nguoi-Viet

April 22, 2024

Lâm Nguyễn/SGN

Sáng 28 Tháng Ba, ba cứ dẫn cả nhà đi tới đi lui. Tàu mỗi lúc mỗi ít mà người thì mỗi lúc mỗi đông.

Mình không nhớ rõ ràng từng chi tiết lắm nhưng cái hình ảnh mấy trăm ngàn con người ứ đọng lại trên bến tàu để giành giựt 1 chỗ trên tàu và thỉnh thoảng lại có những tiếng rơi nặng nề xuống biển thì không làm sao mình quên được.

Đám đông người Việt Nam chen chúc di tản tại phi trường ngày 29 Tháng Tư, 1975. (Hình: National Archives/AFP via Getty Images)

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, bối rối, kinh hoàng, cùng quẫn. Kẻ đi tới, người đi lui, khóc lóc, kêu réo dội lên nghe thật dễ sợ. Mấy bao gạo sấy cứng như đá nhưng cũng được tụi mình chiếu cố tận tình. Suốt một ngày vất vả, lang thang khắp các xó xỉnh của bến cảng, đợi chờ, hy vọng rồi tuyệt vọng, cả nhà mệt lả. Mình tưởng như không thể nào đi nổi nữa (Lúc đó mình là đứa con lớn nhất trong nhà chỉ mới 11 tuổi).

Đêm đến. Người đến mỗi lúc một đông. Cả nhà đứng trên bến. Mình còn nhớ rõ lúc đó có một chiếc tàu đậu ở ngoài xa. Nhũng người đứng trên bến kêu la í ới nhưng chiếc tàu không vào được. Nếu lúc đó chiếc tàu tiến vào, mấy chục ngàn người mà ùa xuống, chắc chắn sẽ chết mấy trăm lần so với những ngày qua vì điều chắc chắn là chiếc tàu sẽ chìm lỉm.

Lúc đó có một người lính có lẽ vì hoảng quá đâm ra liều lĩnh nên nhảy đại xuống biển và cố gắng bơi ra chiếc tàu. Mặt biển tối sẫm nhưng cũng thấy đầu ông lúc trồi lên lúc chìm lỉm. Mọi người trên bờ hồi hộp theo dõi, thỉnh thoảng lại cổ vũ: “Gắng lên, gắng lên, gần tới rồi” và hàng trăm tiếng “Ồ” bật lên mỗi khi thấy ông ta bị chìm có lẽ vì đuối sức. Cứ thế mọi người kể cả tụi mình hồi hộp theo dõi nhưng cuối cùng ông ta mất tăm. Mọi người cũng chẳng còn hơi sức, tâm trí đâu để mà than thở, hay tỏ một câu thương xót cho cái chết bi thảm của ông. Hình ảnh ấy cứ bám riết tâm trí, ám ảnh mình suốt chuyến đi.

Ba dẫn cả nhà ra ngay giữa bến. Ngoài khơi có một chiếc tàu to đang tiến vào. Nhưng rồi nó cũng không dám vào sâu hơn nữa vì mỗi lần tiến lên được chút ít là “họ” từ trên núi pháo xuống mặt biển ầm ầm. Có một ông lính to cao mặc đồ bộ binh, mũ giáp đàng hoàng cầm đèn pin chớp chớp 3 cái một, hình như là để ra hiệu cho tàu vào. Thình lình ở phía bên phải bỗng chớp lên một vệt sáng dài như sấm chớp. Mình nghe tiếng ông ta hét to: “Pháo, nằm xuống”.

Ba dúi đầu tụi mình xuống. Cả nhà vừa kịp nằm dài ra là :”Ầm, ầm”. Lúc đó mình mới thật sự thấy khiếp sợ. Ngày hôm qua, tuy bị nhưng họ pháo rải ra, thưa thớt hơn và cả nhà ở trong một phòng kín. Còn bây giờ thì liên tiếp không ngớt. Tưởng chừng như bao nhiêu tiếng động kinh khiếp của trái đất đều đổ dồn vào đây. “Ầm ầm” liên tục làm mọi người không ngóc đầu dậy được. Tụi mình nằm im thin thít.

Người tỵ nạn cộng sản từ Đà Nẵng, Huế và các thành phố thất thủ khác của miền Nam Việt Nam, chen chúc hành lý trên xe buýt, cố gắng kiếm thức ăn và nước uống khi họ từ Thành phố Cam Ranh hướng về Sài Gòn (Bettmann / Getty Images)

Sau này nghe ba nói lại mình mới biết là lúc đó ba đã cố ý cho cả nhà nằm túm tụm vào nhau để lỡ có rủi quả nào rớt trúng thì bị hết cả nhà còn hơn là người còn người mất. Pháo cứ trên núi dội xuống trên đầu mọi người. Giữa bến không có một tàng cây hay một túp nhà nào. Mọi người buông xuôi, mặc cho may rủi. Nằm lồng lộng giữa trời để hứng những quả pháo không có mồm có mắt. Nghĩ lại mình còn thấy ghê sợ. Pháo vừa ngớt, ba kéo hết ra một cái hầm dầu ca-dôn. Nói là hầm nhưng thật ra đó là một đường ống giống như những cái cống chứa đầy dầu trơn nhẫy. Tụi mình phải nửa ngồi nửa đứng, hai tay bấu vào vách đá, lưng dựng vào vách này, chân bíu vào vách kia. Láng quáng sảy chân rơi xuống cũng chết. Mình không hiếu lúc đó hai cu Kỳ và Tí (5 và 3 tuổi) lấy sức đâu mà bíu vào vách đá như vậy. Tê dại cả chân tay đầu óc. Pháo gần khoảng 1 tiếng thì ngớt dần và ngưng hẳn. Lúc đó trời đã rạng sáng. Sáng 29/3.

Lúc này soát xét lại thì đồ đạc lẫn lộn đâu hết, chỉ còn một xách gạo sấy, 1 xách quần áo trong có cái radio cassette. Còn cái xách Boeing của nhà trong đựng những bộ quần áo quý của má thì mất tiêu. Nhưng cũng chẳng ai có vẻ tiếc rẻ (khi cả nhà mình vừa thoát khỏi cái chết). Còn hơi sức đâu mà nghĩ tới những chuyện vớ vẩn nữa.

Mặt trời lên. Một cảnh tượng hiếm có đập vào mắt mình. Trên bến la liệt những đồ vật, xe cộ, người bị thương, bị chết nằm ngổn ngang. Xe cộ nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Xen giữa những hàng xe cộ là đồ vật. Quần áo, ti vi, máy quạt, va-ly, túi xách, kể cả những đồ vật đắt tiền và thậm chí mình còn thấy cả những đôi hài, sandale, hoặc đôi giày cao gót của đoàn người di tản cởi bỏ và vất lại.

Ba má lại thất thểu kéo tụi mình ra đi. Dọc đường, mình thấy máu me và tiếng rên rỉ xin cứu vớt, xin nước của người bị thương vang lên không ngừng. Có một người đàn bà bị thương nặng, 4 đứa con vây quanh bà ta khóc lóc nhưng bà xua đi và nặng nhọc nói:
– Thôi mẹ gần chết rồi, mấy đứa con đi đi. Chạy theo họ chứ không là bị pháo kích nữa đó.

Bốn đứa nhỏ vùa chạy theo sau đoàn người nhà mình vừa quay lại nhìn bà mẹ và khóc nức nở. (Cảnh tượng này suốt đời mình không bao giờ quên được). Không biết máu của ai văng lên cái xách đồ mà dính be bét trên quần áo. Vào đến Cam Ranh, nhà mình mới hay.

Có người chết rồi mà mắt mở trừng trừng. Có người bị thương đau quá rên siết thật thê thảm. Có người nuốt nước mắt bỏ thân nhân bị chết ở đó và ra đi. Chưa bao giờ mình thấy đồ đạc nhiều như vậy. Đồ đạc nằm chỏng chơ trên cảng, lăn lóc ngoài đường. Giá lúc ấy có ai mà chụp được cảnh đó hẳn bức ảnh đáng giá ngàn vàng.

Khung cảnh cảng ngổn ngang, bừa bãi và vắng lặng vì bây giờ, sau trận pháo kinh thiên động địa, mọi người lại hoảng hốt ra đi. Đi về đâu? Cũng chẳng ai biết chắc họ sẽ đi về đâu. Nhưng thấy người khác đi, mình cũng đi. Cứ như những con kiến hoảng hốt bò quanh miệng chén nước sôi. Cùng quẫn, tuyệt vọng, bơ phờ, kinh hoàng, ngần ấy thứ in hằn lên từng khuôn mặt già cũng như trẻ.

Cứ đi, dù không có cái đích cuối cùng, kéo nhau đi hoài, đi hủy dù không có phương tiện. Cả nhà cùng đoàn người chạy loạn lại kéo nhau về Sơn Chà – Chợ Chiều. Từ Cảng Tiên Sa đi ra Chợ Chiều cũng 9, 10 cây số. Đi ngang dãy nhà ở Tiên Sa mà hồi xưa gia dình mình ở, mình thấy ở đó đã bi pháo dội đổ nát hết.

Lúc đó mình mới 11 tuổi, QG 9, Bé Ba 7, Bé Tư 6, cu Kỳ 5, cu Tí 3 và Bé Tí 2. Lại thêm bà Tuyên cùng hai đứa con: đứa 1 tuổi, đứa hai ngày tuổi. Thật là nheo nhóc. Ba thì xách đồ, chị Lụa bồng bé Tí, má bồng đứa con lớn của bà Tuyên, bà Tuyên bồng đứa mới sinh.

Ba dặn mình phải níu tay Bé Tư. Bé Ba đi với QG. Còn Kỳ và Tí thì đi sát bên ba. Lên đường, không phấn khởi, không tin tưởng, không có đích như những chuyến đi chơi. Tới đâu hay tới đó. Cả nhà mình như trôi đi trong một khối biển người khổng lồ, cuồn cuộn, nối tiếp nhau tưởng chừng như không bao giờ hết được.

Dọc đường đi, nhiều cảnh tượng kinh khủng đã đập vào mắt mình. Và người! Người từ Sơn Chà, từ Đà Nẵng lại đổ trở ra Tiên Sa.

Người vô kẻ ra. Đúng là môt bầy kiến vĩ đại đang bò quanh miệng chén nước sôi. Thật là bế tắc. Mọi người lại nhìn nhau bàng hoàng, ngơ ngác. Bây giờ phải đi đâu, đến đâu. Đứng im một chỗ cũng không thể bình tĩnh được nên phải chạy tứ tung ngoài đường. Rốt cuốc hàng đoàn người dài dằng dặc đi ngược chiều nhau, nhìn ngó nhau, thắc mắc, lo sợ và tuyệt vọng.

Có những cái đã in sâu trong óc mình. Mình đã gặp dọc theo con đường (ngay trước cổng vào khu hải quân ở Sơn Chà) một người đàn ông mặc bộ đồ thủy quân lục chiến nằm vắt tay lên trán, bên cạnh là chiếc xe Honda chất đầy đồ đạc. Trông ông ta có vẻ thản nhiên quá. Lại ngủ nữa à? Không ai biết được là ông ta đã chết rồi, người chạy loạn thương tình xếp lại tư thế nằm của ông cho ngay ngắn. Có thể giờ này vợ con ông đang đi tìm ông. Trông tư thế nằm của ông có vẻ vô tư quá. Trông như 1 bác nông dân đang say sưa đánh giấc sau khi làm những đường cày.

Tái bút:

Hành trình chuyến đi còn kéo dài đến hơn 10 ngày mới đến được Sài Gòn nhưng không hiểu sao lúc đó mình chỉ viết đến đây thì dừng. Tuy nhiên, cách đây vài năm, mình có nhớ lại nên viết kể tiếp về chuyến đi với đích đến cuối cùng là Sài Gòn. Chuyện cá Ông cứu thuyền là có thật. Năm 2018, mình đã đưa ba má ra đảo Bình Ba (ba má sau khi lục lọi trí nhớ đã xác định tên đảo) để thắp hương tại Lăng Cá Ông, cảm tạ Ông đã cứu chiếc ghe không bị lật chìm giữa biển.

Cuối cùng, điều mình muốn nói là qua chuyến đi chết chóc này, mình muôn vàn cảm tạ, biết ơn ông bà Tổ Tiên phúc đức đã che chở cho cả nhà toàn vẹn cho đến khi đặt chân lên đất Sài Gòn dù thân hình xơ xác, tiều tuỵ đúng nghĩa đen đầu trần chân đất.


 

 20 Bài Học Cuộc Sống

Dream as if you’ll live forever, live as if you’ll die today

Cuộc sống luôn dạy cho ta những bài học quý giá mà bạn nên biết để sống tốt và ý nghĩa hơn. Dưới đây là 20 bài học vô giá mà cuộc sống dạy bạn. Cùng đọc và suy ngẫm nhé!

  1. “Cuộc sống vốn không công bằng hãy tập quen dần với điều đó” – Bill Gates.

  1. Đừng vội đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài.

  1. Đừng ngại thay đổi. Bạn có thể mất một cái gì đó tốt nhưng bạn có thể đạt được một cái gì đó tốt hơn.

  1. Cách người khác nhìn nhận bản thân bạn không quan trọng bằng việc bạn nhìn nhận bản thân mình ra sao.

  1. Bạn không thể chọn được nơi mình sinh ra nhưng bạn có thể chọn được cách mình sống.

  1. Đừng quan tâm tới những kẻ nói xấu sau lưng bạn, vì chỗ của họ là ở đó. Mãi mãi sau lưng bạn mà thôi.

  1. Những điều không thể hạ gục bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn.

  1. Chính bạn là người tạo nên con đường cho chính mình.

  1. Thành thật có thể không mang lại nhiều bạn bè nhưng nó luôn mang lại những người bạn đúng nghĩa.

  1. Muốn thành công phải trải qua thất bại. Sống ở đời có dại mới có khôn.

  1. Đừng sợ hãi kẻ thù trước mặt mà hãy đề phòng những người bạn giả dối sau lưng.

  1. Bạn bè ranh giới của nó thật mong manh. Trong cuộc vui không biết ai là bạn. Lúc hoạn nạn mới biết bạn là ai.

  1. Khi giơ một ngón tay chỉ trích người đối diện, hãy nhớ ba ngón tay kia đang hướng về phía ta. Nếu bạn không muốn bị chỉ trích thì đừng bao giờ chỉ trích người khác.

  1. Có một ngày bạn cảm thấy cuộc sống thật gian nan, nhưng như vậy thì thành quả gặt hái được có thể rất to lớn.

  1. Vẽ người, vẽ mặt, khó vẽ xương. Biết người, biết mặt, khó biết lòng.

  1. Bạn không thể thành công nếu không dám mạo hiểm.

  1. “Thời gian của bạn là hữu hạn, vì thế đừng phí thời gian vào việc sống cuộc đời của người khác” – Steve Jobs.

  1. Đôi khi bạn cần phải im lặng, nuốt cái tôi vào trong và chấp nhận rằng bạn sai. Đó không phải là bỏ cuộc, đó là trưởng thành.

  1. “Đừng bao giờ đùa giỡn với cảm xúc của người khác. Bởi lẽ bạn có thể thắng trong trò chơi đó, nhưng chắc chắn bạn sẽ đánh mất người đó cả đời” – Shakespeare.

  1. Hãy biết trân trọng những gì bạn đang có và học cách yêu thương người khác vì xung quanh chúng ta còn rất nhiều mảnh đời thiếu may mắn.

From: Tu-Phung


 

Thánh George-Cha Vương

Chúc bình an! Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh George, quan thầy của [các chiến binh], nước Anh, Bồ Ðào Nha, Ðức, Aragon, Genoa và Venice. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 23/04/2024

Người ta thường vẽ hình Thánh George đang giết con rồng để cứu thoát một phụ nữ xinh đẹp. Con rồng tượng trưng cho sự dữ. Người phụ nữ tượng trưng cho chân lý thánh thiện của Thiên Chúa. Thánh George là vị tử đạo can đảm đã chiến thắng sự dữ.

Cuộc đời Thánh George thì đầy những huyền thoại đến nỗi thật khó để phân biệt thực hư. Người ta cho rằng Thánh George xuất thân từ Cappadocia thuộc Tiểu Á, là một sĩ quan trong đạo quân của Hoàng Ðế La Mã Diocletian (245 – 313), và là người được Hoàng Ðế mến mộ.

Lúc bấy giờ, Diocletian là người ngoại đạo và thù ghét Kitô Giáo. Ông giết bất cứ Kitô Hữu nào mà ông gặp. Thánh George là một Kitô Hữu can đảm, một người lính đích thực của Ðức Kitô. Không sợ hãi, ngài đến gặp Hoàng Ðế và nghiêm nghị quở trách sự tàn ác của ông. Sau đó ngài từ bỏ địa vị trong quân đội La Mã. Vì lý do đó ngài bị tra tấn bằng mọi cách khủng khiếp nhất và sau cùng bị chém đầu.

Sự can đảm và hăng hái tuyên xưng đức tin của Thánh George đã đem lại niềm phấn khởi cho các Kitô Hữu thời ấy. Nhiều bài hát và bài thơ đã được sáng tác về vị tử đạo này. Ðặc biệt, các quân nhân là những người sùng kính ngài.

Ngài được phong thánh năm 494, Ðức Giáo Hoàng Gelasius tuyên xưng ngài là một trong những người “mà tên tuổi thật xứng đáng để người đời kính trọng, và chứng từ tử đạo của ngài đáng để dâng lên Thiên Chúa.”

Lời Bàn: Tất cả chúng ta đều có những “con rồng” để khuất phục. Nó có thể là sự kiêu ngạo, sự nóng giận, sự lười biếng, sự tham lam, hoặc bất cứ gì khác. Hãy biết rằng chúng ta chiến đấu những “con rồng” đó với sự trợ giúp của Thiên Chúa. Và rồi, chúng ta có thể tự hào mình là chiến sĩ đích thực của Ðức Kitô.

Lời Trích: “Mỗi khi nhìn đến đời sống của những người đã trung tín theo Ðức Kitô, chúng ta lại có thêm một lý do nữa để phấn khởi tìm kiếm Thành Thánh tương lai” (Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, 50)

Thánh George, cầu cho chúng con.

From: Do Dzung        

 Đời Con Có Chúa – Lm Duy Thiên – Nhóm Cadillac 

LỜI CẦU NGUYỆN THINH LẶNG, MỘT TRUYỀN THỐNG ÍT ĐƯỢC BIẾT CỦA KITÔ GIÁO

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Theo Linh mục Jean-Marie Gueullette, thần học gia Dòng Đa Minh, tiến sĩ y khoa, kinh nghiệm lời cầu nguyện thinh lặng của các nhà thần nghiệm Kitô giáo là một gia tài ở trong tầm tay của tất cả mọi người.  Đó là chủ đề của quyển sách mới nhất của linh mục, Axixi và sự hiện diện (Assise et la présence, nxb Albin Michel).

Hiện nay rất nhiều người cho rằng sự mến chuộng chiêm niệm có gốc rễ trong truyền thống Đông phương.  Hinđu giáo với yoga, phật giáo Tây tạng với zen qua tư thế ngồi trong các buổi chiêm niệm; qua các tư thế ngồi họ tìm cách nào thuận tiện nhất để ngồi thiền.  Qua các truyền thống này, có phải đây là dấu hiệu của một giai đoạn không thể tránh được cho người Tây phương khi họ tìm cách phát triển cách chiêm niệm này không?  Người ta thường trả lời ‘đúng’ vì họ nghĩ rằng Kitô giáo không có một truyền thống nào trong lãnh vực này và vì thế không có gì để mang lại.

Nếu các tín hữu Kitô ngày nay chiêm niệm trong thinh lặng, đó là nhờ họ được các thầy từ Đông phương đến dạy.  Một xác quyết loan truyền rõ ràng như vậy cần xem lại, vì di sản Kitô giáo rất phong phú trong lãnh vực cầu nguyện trong thinh lặng, phong phú nhưng phần lớn lại ít đạt tới được, vì từ cuối thế kỷ 17, việc thực hành này đã dần dần bị lãng quên.

Ngay từ các thế kỷ đầu tiên, dưới nhiều tên gọi khác nhau, các Kitô hữu đã thinh lặng ngồi chiêm niệm và lời cầu nguyện của họ thường rất đơn sơ.  Chúng ta có thể xem đó là hình thức ngồi cầu nguyện của Kitô hữu: cầu nguyện trong quan hệ giữa mình với Chúa mà người tín hữu xem Chúa như một nhân vị và họ cầu nguyện với tên của Ngài.  Trong các hình thức cầu nguyện của Kitô giáo mà chúng ta nói ở đây có hình thức cầu nguyện thinh lặng, người cầu nguyện chỉ đơn giản đặt mình trước mặt Chúa, cảm nhận sự hiện diện của Ngài, mà không xin một điều gì đặc biệt.

Một truyền thống kín đáo nhưng rất mạnh

Điều cần thiết là phải làm cho gia sản này đến được tầm tay của mọi người, một di sản to lớn của lời cầu nguyện thinh lặng Kitô giáo, trải dài từ thế kỷ thú 3 đến thế kỷ 17.  Các tài liệu còn rất nhiều.  Tuy nhiên rất nhiều tín hữu thực hành lời cầu nguyện này và không để lại một dấu vết nào, vì hình thức cầu nguyện này quá đơn giản nên cũng không cần phải triển khai thành một tài liệu để giảng dạy, và vì thế về mặt lịch sử không có tài liệu quy chiếu.

Trong nhiều chứng từ có thể có được của hình thức cầu nguyện đơn giản này, một lời cầu nguyện dẫn từ thinh lặng đến thờ lạy, có chứng từ của chân phước Jean-Joseph Lataste, tu sĩ Dòng Đa Minh Pháp ở thế kỷ 19, cha là người rao giảng trong tù.  Trong thời trẻ của mình, cha đã bỏ nhiều thì giờ để sốt sắng cầu nguyện, nhưng cha nhận thấy lời cầu nguyện thành mờ nhạt trước sự thinh lặng và trước sự đơn sơ chú tâm vào Chúa: “Tâm hồn tôi không ngừng hướng về Chúa, qua hành vi yêu thương liên tục, hơi mơ hồ, hơi ngấm ngầm nhưng mạnh hơn cả chính tôi.  Trong tôi là một lòng thờ lạy Chúa liên lỉ qua hành vi đơn sơ của tâm hồn tôi, luôn giống nhau và luôn mới, không có đoạn bắt đầu, không có đoạn giữa, không có đoạn cuối” (“Các phụ nữ này là chị của tôi…” Đời sống của cha Lataste, tông đồ các nhà tùVie du père Lataste, apôtre des prisons Jean-Marie Gueullette, Cerf, 2008).

Một kinh nghiệm như vậy không phải chỉ dành riêng cho các thánh hay các nhà thần nghiệm đặc biệt có được một sự kết hiệp sâu đậm với Chúa.  Rất nhiều tín hữu Kitô, tu sĩ hoặc giáo dân đã biết con đường đơn giản, con đường cốt yếu đặt lời cầu nguyện của mình trước sự hiện diện của Chúa, trong thinh lặng.  Và chúng ta dựa trên kinh nghiệm của họ nếu chúng ta muốn cầu nguyện như vậy, một kinh nghiệm đòi hỏi sự đơn sơ của nó!  Và đó là điều hữu ích!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

***************************

Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào,

xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.

Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc,

xin cho con quý chuộng những lúc

được an nghỉ trước nhan Chúa.

 

Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo,

xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa

để nghe lời Người.

 

Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng,

xin cho con thoát được lên cao

nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.

 

Lạy Chúa,

ước gì tinh thần cầu nguyện

thấm nhuần vào cả đời con.

Nhờ cầu nguyện,

xin cho con gặp được con người thật của con

và khuôn mặt thật của Chúa.

 Rabbouni

From: Langthangchieutim


 

LUÔN KHÍCH LỆ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”.

“Hãy tâng bốc tôi, tôi có thể không tin bạn! Hãy chỉ trích tôi, tôi có thể không thích bạn! Hãy quên bẵng tôi, tôi có thể không tha cho bạn! Nhưng hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!” – William Arthur Ward.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy khích lệ tôi, tôi sẽ không bao giờ quên bạn!”. Thật thú vị! Các nhân vật của Lời Chúa hôm nay là những con người ‘luôn khích lệ’ mà Giáo Hội và thế giới sẽ không bao giờ quên lãng: Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’; và Giêsu, ‘Thiên Chúa của sự khích lệ!’.

Công Vụ Tông Đồ tường thuật cuộc viếng thăm của Barnaba; “Barnaba”, tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘Con của sự khích lệ!’. Từ Giêrusalem, Barnaba được cử xuống Antiôkia để xét xem hiện tình. Vui mừng khi thấy “ơn Thiên Chúa” ban, Barnaba “khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa”; ông dành cho anh chị em tân tòng một sự khích lệ lớn lao. Sau đó, đến Taxô, Barnaba tìm Phaolô, người mới tin; đưa Phaolô đi Antiôkia để hỗ trợ cho Hội Thánh non trẻ này. Từ đó, Phaolô trở thành trụ cột của Antiôkia; và “Chính tại Antiôkia, lần đầu tiên, các môn đệ được gọi là Kitô hữu”, Hội Thánh ngày càng có nhiều người tin; Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ nỗi hân hoan, “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa!”.

Lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cũng thật khích lệ, “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Với Ngài, hạnh phúc tối thượng của mỗi con chiên là “sự sống đời đời”. Tuy nhiên, không phải là những con chiên thụ động nhưng là những con chiên biết lắng nghe Chủ Chiên, một điều gì đó không thể thiếu trong mối quan hệ của nó với Ngài, “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”. Ngài ra sức bảo vệ chiên, “Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”; nhưng để khỏi bị cướp, mỗi con chiên cần đóng góp phần tích cực của mình. Nghĩa là, chúng ta phải im ắng đủ để nghe tiếng Mục Tử Giêsu qua từng biến cố, từng cử hành phụng vụ, từng trang Phúc Âm; siêng năng tìm đến suối nguồn ân sủng, các Bí tích. Bởi lẽ, ngày nay, đang có nhiều ‘tiếng người lạ’ dành giật sự chú ý; và thật không dễ để bạn và tôi có thể nghe được những lời ‘luôn khích lệ’ của Ngài.

Anh Chị em,

“Tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Noi gương Chúa Giêsu, ‘Thiên Chúa của sự khích lệ’; bắt chước Barnaba, ‘Con của sự khích lệ’, chúng ta cũng ao ước “sự sống đời đời” cho mình và cho tha nhân. Như các ngài, chúng ta khuyến khích nhau trong đức tin, giúp nhau lớn lên trong sự thân tình với Chúa và sống liên đới với nhau. Cha mẹ khuyến khích con cái, con cái khuyến khích cha mẹ; anh chị em, bạn bè khuyến khích nhau để nên thánh mỗi ngày; vì “Chúng ta không lên thiên đàng một mình!”. Ước gì bạn và tôi có một trái tim lặng đủ để nhanh nhạy ‘ngẩng lên’ khi nghe Giêsu Mục Tử gọi và mau mắn thi hành điều Ngài muốn! Từ đó, dám dấn thân, trở nên những con người sẵn sàng vực dậy những ai đang bủn rủn, đầu gối rã rời. Như vậy, trong mọi lĩnh vực, ‘mục vụ khuyến khích’, ‘văn hoá khuyến khích’ vẫn đóng một vai trò nhất định, không chỉ ở các Hội Thánh non trẻ, mà cả với Giáo Hội trưởng thành và ngay trong thế giới hiện đại!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con sống và dạy ‘văn hoá khuyến khích’. Đừng để con nhìn mọi sự dưới lăng kính tiêu cực. Cho con luôn dấn thân trong ‘mục vụ khuyến khích!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen


 

LUẬT NHÂN QUẢ-Truyen ngan HAY

LUẬT NHÂN QUẢ

Vào năm 1892 tại Đại học Stanford. Có một cậu sinh viên 18 tuổi đang gặp khó khăn trong việc trả tiền học. Cậu ta là một đứa trẻ mồ côi và không biết làm gì để kiếm ra tiền trả học phí. Cậu bèn nảy ra một sáng kiến, cùng một người bạn khác quyết định tổ chức một buổi nhạc hội ngay trong khuôn viên trường để gây quỹ cho việc học.

Họ tìm đến người nghệ sĩ dương cầm đại tài người Ba lan Ignacy J Paderewski. Người quản lý của Paderewski yêu cầu một khoản phí bảo đảm $2000 để cho ông biểu diễn. Sau thõa thuận, hai sinh viên Mỹ bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị cho buổi trình diễn thành công.

Ngày trọng đại ấy cuối cùng đã đến. Paderewski cuối cùng cũng đã có buổi diễn tại Stanford. Thế nhưng không may là vé chưa được bán hết. Sau khi tổng kết số tiền bán vé, họ chỉ có được $1600. Quá thất vọng, họ đến chỗ của của Paderewski, trình bày hoàn cảnh của mình. Hai người sinh viên đưa Paderewski toàn bộ số tiền bán vé, cùng với tờ cam kết nợ $400, và hứa rằng sẽ trả số nợ ấy sớm nhất có thể.

“Không”, Paderewski nói – “Cái này không thể nào chấp nhận được.” Ông xé tờ cam kết, trả lại $1,600 cho hai chàng sinh viên và nói: “Cầm lại 1600 đô, hãy trừ hết tất cả các chi phí cho buổi biểu diễn, và chi phí học phí , nếu dư thì mới đưa cho tôi”. Hai cậu sinh viên ấy vô cùng bất ngờ, xúc động cảm ơn Paderewski..

Một việc làm nhỏ, nhưng chứng minh được nhân cách của Paderewski. Và, người nghệ sĩ dương cầm Paderewski hôm nào sau này trở thành Thủ Tướng của Ba Lan , một lãnh đạo tài năng. Thế nhưng, không may chiến tranh thế giới nổ ra, và đất nước của ông bị tàn phá nặng nề. Có hơn một triệu rưỡi người Ba Lan đang lâm vào cảnh chết đói, mà chính phủ của ông không còn tiền để có thể cứu giúp họ. Paderewski không biết đi đâu để tìm sự giúp đỡ trong cái Châu Âu đổ nát vì chiến tranh. Ông tìm đến Cơ Quan Cứu Trợ Lương Thực Hoa Kỳ để nhờ sự trợ giúp.

Người đứng đầu cơ quan đó là Herbert Hoover, (người sau này trở thành Tổng Thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ). Ông Hoover đồng ý và Mỹ nhanh chóng gửi hàng tấn lương thực để cứu giúp những người Ba Lan đang lâm cảnh thảm họa.

Ba Lan vượt qua được thảm họa. Thủ Tướng Paderewski quyết định đi sang Mỹ để tự mình cảm ơn Herbert Hoover vì cử chỉ cao đẹp đã kịp thời giúp đỡ người dân Ba Lan trong lúc khó khăn. Khi Paderewski chuẩn bị nói câu cảm ơn thì ông Hoover vội cắt ngang và nói: “Ngài không cần phải cảm ơn tôi đâu, thưa ngài Thủ Tướng. Không biết ngài còn nhớ, vài năm trước, ngài có giúp đỡ hai cậu sinh viên trẻ tuổi bên Mỹ được tiếp tục đi học, và tôi là một trong hai chàng sinh viên đó đấy ”

Sưu tầm

NB

From: Ngoc Bich & KimBang Nguyen